Kỷ niệm ngày thầy thuốc VN 27/2. Ngày thầy thuốc nói về nghề thầy thuốc
Ngày đăng: 27/02/2011
Lượt xem: 5003
Bác Hồ từng nói: “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thật vậy, sức khỏe là quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Do đó, nghề bác sĩ – nghề mang lại sức khỏe và sự sống cho con người cũng giữ một vị trí hàng đầu trong xã hội.

Nghề nào cũng có những đặc trưng riêng của nó. Nghề bác sĩ cũng không ngoại lệ. Những người làm ngành y luôn biết chấp nhận vất vả. Mỗi bác sĩ, y tá luôn luôn khẩn trương làm việc, tác phong nhanh nhẹn không kể đêm ngày. Họ phải suy nghĩ, lao động trí óc và chân tay không ngừng nghỉ. Nỗi vất vả của họ, khó ai thấu hiểu. Mức độ nguy hiểm của nghề bác sĩ lại khá cao. Họ luôn trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, mặc dù là bệnh dễ lây truyền. Tuy đã có vật dụng bảo hộ và biện pháp cách li, song sự rủi ro thì khó ai hạn chế hết. Hẳn chúng ta còn nhớ những người bác sĩ vĩ đại đã vĩnh viễn ra đi vào thời kì 2003 – 2004 khi đại dịch SARS xuất hiện. Họ là những tấm gương đáng khâm phục vì lòng dũng cảm và đức hi sinh cao cả. Và như vậy, nghề bác sĩ cũng nằm trong tốp những nghề có mức độ nguy hiểm cao nhất. Tuy nhiên, nghề bác sĩ không hẳn chỉ có vất vả và hiểm nguy, khi chữa khỏi bệnh cho mọi người, bác sĩ sẽ được rất nhiều người biết ơn và kính trọng. Làm bác sĩ - nghĩa là mang niềm vui cho người khác và cũng tự mang hạnh phúc đến cho chính mình.
Muốn trở thành một người bác sĩ chân chính, chúng ta cần rất nhiều tố chất. Đặt lên hàng đầu là lòng dũng cảm, biết hi sinh và có đạo đức nghề nghiệp. Bác sĩ phải xông pha vào cả nơi nguy hiểm để cứu người, từ bỏ sở thích và quỹ thời gian riêng để kịp thời có mặt khi cần thiết. Là bác sĩ, đêm hay ngày không còn ranh giới, chỉ còn lại những phút giây khẩn trương cấp bách, lo cho tính mạng của người bệnh. Bác sĩ rất cần lòng nhân ái, bao dung. “Lương y như từ mẫu” - lời Bác Hồ kính yêu răn dạy vẫn luôn khắc ghi trong lòng mỗi người làm ngành y. Chăm chỉ, cần cù trau dồi kinh nghiệm cũng là điều không thể thiếu. Hơn nữa, bác sĩ còn phải luôn sáng tạo, tìm tòi nghiên cứu để tìm ra cách chữa bệnh mới, một loại thuốc mới … Vậy mới biết, muốn trở thành một bác sĩ giỏi không phải là điều dễ dàng.
Cuộc sống hôm nay, trong cơ chế thị trường bộn bề và sôi động với đặc trưng nổi bật đan xen qua các quan hệ xã hội là đồng tiền có xu hướng ngự trị và khuynh đảo. Có một bộ phận thầy thuốc có những thái độ và hành vi vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, bởi vì động lực của những người này không hoàn toàn hướng tới việc chữa trị cho người bệnh và đang làm "méo mó" nghề thầy thuốc cao quý. Tuy nhiên số thầy thuốc giảm sút y đức không nhiều, vì thế, không thể vì một số "con sâu" mà đánh giá sai về những cống hiến đáng ghi nhận của đại đa số thầy thuốc, từ đó giảm sự quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của những người thầy thuốc. Các thầy thuốc giỏi, có đạo đức cao đều để lại tiếng thơm muôn thuở trong nhân gian.
Tóm lại, nghề bác sĩ là một nghề cao quý, đóng vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Thiếu vắng nghề này, liệu xã hội có còn phát triển? Chắc chắn là không thể. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, mong rằng các thầy thuốc luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền", tận tụy hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đăng bởi: Ban biên tập
Các tin khác
Tri ân những người mang hai sứ mệnh làm thầy 20/11/2011
Tin tức tuyển dụng 02/10/2011
Cơ hội tìm học bổng tu nghiệp nước ngoài 15/09/2011
Lễ hội “Vui Trung Thu cùng trẻ em” 12/09/2011